Gút là bệnh lý mà ở đó hiện tượng viêm xảy ra do lắng đọng các tinh thể Natri Urat vào khớp và làm khớp trở nên sưng, nóng, đỏ, đau trong nhiều giờ.
Khi tình trạng này xảy ra, bệnh được gọi là cơn gút cấp.
Nguyên nhân cơ bản của bệnh là do tăng acid uric máu tức là có quá nhiều axit uric trong máu, dẫn đến hình thành các tinh thể sắc nhọn như kim ở những nơi dòng máu chảy chậm như tại các khớp hay các ống thận.
Dần dần, những cơn gút cấp lặp đi lặp lại có thể gây phá hủy mô khớp, dẫn đến viêm khớp.
Để hiểu axit uric đến từ đâu, hãy bắt đầu từ purin cùng với pyrimidin- chúng là những hợp chất dị vòng Nitơ phổ biến nhất trong tự nhiên.
(Hợp chất dị vòng là hợp chất được cấu tạo từ một phân tử dạng vòng có chứa các nguyên tử của những nguyên tố khác nhau).
Purin, cũng như là pyrimidin là thành phần chính tạo nên các axit nucleic như ADN và ARN.
Khi các tế bào cùng với các axit nucleic trong chúng bị thoái biến trong cơ thể , purin được chuyển hóa thành axit uric- một phân tử có thể được lọc ra khỏi máu và được đào thải trong nước tiểu.
Tuy nhiên, axit uric tan hạn chế trong dịch cơ thể.
Tăng axit uric máu xảy ra khi nồng độ của axit uric vượt quá độ tan của nó, ở khoảng 6.
8 mg/dL.
Tại pH sinh lý vào khoảng 7.
4, axit uric mất H+ và trở thành anion urat, sau đó kết hợp với Na+ và tạo nên tinh thể Natri Urat.
Những tinh thể này có thể hình thành do sự tăng tiêu thụ purin như ăn các thực phẩm giàu purin như động vật có vỏ, cá cơm, thịt đỏ hay nội tạng động vật.
Hơn nữa, Tình trạng này cũng có thể đến từ việc tăng tạo purin ví dụ như sử dụng đồ uống chứa siro bắp có hàm lượng fructose cao góp phần tạo nên uric axit thông qua tăng tổng hợp purin.
Một nguyên nhân khác có thể dẫn đến hình thành các tinh thể urat là giảm độ thanh thải axit uric, tình trạng này xảy ra khi mất nước, do không uống đủ nước hay sử dụng đồ uống có cồn, đều gây kết tủa axit uric.
Thường xuyên ăn những loại thực phẩm như đã nêu trên có thể gây béo phì và đái tháo đường, cả hai đều là yếu tố nguy cơ của bệnh Gút.
Tình trạng tăng axit uric máu cũng có thể là hậu quả của quá trình hóa trị hoặc xạ trị, bởi vì các tế bào chết đi nhanh hơn bình thường.
Ngoài ra, một số bệnh nhân có yếu tố di truyền bẩm sinh gây sản xuất dư thừa axit uric, trong khi đó với những bệnh nhân bệnh thận mạn thì lại có thể không còn khả năng bài tiết axit uric được nữa.
Cuối cùng, những thuốc như lợi tiểu thiazide hay aspirin cũng có thể gây tăng nồng độ axit uric trong cơ thể do đó làm tăng nguy cơ bị gút.
Gút thường ảnh hưởng đến khớp bàn ngón của ngón chân cái hay nền ngón chân cái và khi tình trạng này xảy ra, được gọi là podagra (hay gút ngón chân cái).
Trong một podagra điển hình, người bệnh thường tỉnh giấc bởi cảm giác đau bỏng rát ngón chân cái, thậm chí tấm khăn trải giường đè lên cũng có thể gây đau.
Cơn đau dữ dội nhất trong vài giờ ngay sau khi khởi phát cơn gút cấp và sau đó thường giảm dần theo thời gian nhưng cảm giác khó chịu và sưng có thể kéo dài trong nhiều ngày hay nhiều tuần.
Gút có thể ảnh hưởng đến các khớp khác như khớp cổ chân, đầu gối, cổ tay hay khuỷu.
Hiện tượng viêm và đau khu trú này được gây ra do tế bào bạch cầu di chuyển đến vị trí lắng đọng của tinh thể để loại bỏ axit uric và giải phóng các chất hóa học gây viêm, bao gồm các cytokine.
Điều trị cơn gút cấp thường tập trung vào làm giảm đau và sưng, thường dùng nhất là thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDS) như ibuprofen hay naproxen sodium, nhưng đôi khi các thuốc corticosteroid cũng được sử dụng.
Colchicine có tác dụng kháng viêm bằng cách ức chế sự di chuyển của bạch cầu cũng đã được dùng để chữa cơn gút cấp trong một thời gian dài.
Để điều trị căn nguyên của tăng axit uric, điều quan trọng là phải điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, uống đầy đủ nước, giảm hoặc tránh dùng soda, đồ uống có cồn, thịt đỏ, hải sản và hoạt động tích cực để phòng ngừa béo phì.
Cũng có những thuốc giúp giảm nồng độ axit uric bằng cách ức chế enzyme xanthine oxidase như allopurinol.
Xanthine oxidase là một enzyme tham gia vào quá trình thoái biến purin thành axit uric, nên việc ức chế enzyme này giúp giảm sản xuất axit uric.
Các thuốc tăng thải axit uric niệu như probenecid giúp tăng thải acid uric qua thận.
Qua thời gian, cơn gút cấp tái đi tái lại nhiều lần có thể diễn tiến thành gút mạn tính, đó là một dạng viêm khớp trong đó mô khớp bị phá hủy và khớp bị biến dạng vĩnh viễn.
Gút mạn tính cuối cùng có thể gây lắng đọng vĩnh viễn các tinh thể urat, gọi là hạt tophi, các hạt này hình thành ở ngay dưới da, dọc theo các xương.
Bệnh nhân gút mạn tính cũng gia tăng nguy cơ tạo sỏi urat ở thận, cũng như bệnh thận do urat, đó là khi tinh thể urat lắng đọng ở khoảng kẽ của thận.
Tóm tắt nhanh, gút là một bệnh lý mà hiện tượng viêm thường ảnh hưởng tới khớp bàn ngón chân cái, hay nền của ngón chân cái.
Tại đây, axit uric kết tủa và hình thành các tinh thể natri urat, các tinh thể này lắng đọng vào khớp gây viêm và đau.
Video thực hiện bởi WOWMed.
.