Van hai lá gồm có lá van trước và lá van sau, và chúng cùng nhau phân tách buồng tâm nhĩ trái với buồng tâm thất trái.
.
Trong suốt thời kì tâm thu, van hai lá đóng, nghĩa là máu chỉ có duy nhất một hướng để di chuyển – đó là bị tống qua van động mạch chủ để vào vòng tuần hoàn.
Nếu van hai lá không đóng kín được, máu có thể chảy ngược về tâm nhĩ trái, được gọi là hở van hai lá.
Trong suốt thời kì tâm trương, van hai lá mở và máu chảy vào tâm thất.
Nếu van hai lá không mở đủ rộng, nó sẽ làm cản trở đổ đầy thất, gọi là hẹp van hai lá.
Hãy bắt đầu với hở van hai lá.
Sa van hai lá là bệnh van tim phổ biến nhất và cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hở van hai lá ở nước Mỹ.
Khi tâm thất trái co bóp trong thời kì tâm thu, nó tạo ra một áp lực rất lớn nhằm tống máu ra khỏi van động mạch chủ, do đó có một áp lực lớn tác động trên van hai lá đã đóng kín, nhưng thông thường các cơ nhú và các mô liên kết gọi là thừng gân- hay dây chằng tim, giữ cho van không bị sa hay bật ngược vào tâm nhĩ.
Khi có sa van hai lá mô liên kết của các lá van và mô xung quanh trở nên yếu đi, gọi là thoái hóa dạng u nhầy.
Tại sao điều này xảy ra vẫn chưa được hiểu rõ, nhưng đôi khi bệnh có liên quan đến các bệnh lý rối loạn mô liên kết như hội chứng Marfan và hội chứng Ehlers-Danlos.
Thoái hóa dạng u nhầy khiến cho diện tích lá van trở nên lớn hơn và thừng gân bị kéo giãn, đôi khi có thể bị đứt, thường xảy ra ở lá van sau.
Điều này có thể cho phép lá van sau bật vào tâm nhĩ trái.
Bệnh nhân sa van hai lá thường không biểu hiện triệu chứng, nhưng thường thì có thể nghe được âm thổi điển hình bao gồm tiếng click giữa tâm thu, đôi khi theo sau bởi một âm thổi tâm thu.
Tiếng click là do lá van bật vào tâm nhĩ và đột ngột dừng lại do thừng gân kéo.
Mặc dù không phải lúc nào sa van hai lá cũng gây nên hở van hai lá, nhưng nó diễn ra khá thường xuyên.
Nếu những lá van không đóng kín hoàn toàn, một lượng nhỏ máu sẽ chảy ngược từ tâm thất trái vào tâm nhĩ trái tạo ra âm thổi.
Âm thổi trong sa van hai lá khá là độc đáo ở chỗ khi bệnh nhân ngồi xổm, tiếng click đến muộn và âm thổi ngắn hơn, nhưng khi đứng hoặc làm nghiệm pháp valsalva thì tiếng click đến sớm và âm thổi kéo dài hơn.
Nguyên nhân dẫn đến điều này là do ngồi xổm làm tăng hồi lưu tĩnh mạch, như vậy sẽ có thêm một lượng máu đổ vào tâm thất trái, nghĩa là tâm thất trái sẽ lớn hơn một chút so với bình thường.
Những lá van lớn hơn do đó có nhiều khoảng trống hơn để di chuyển.
Do đó khi tâm thất co bóp và trở nên nhỏ hơn, nó tốn thời gian lâu hơn để đẩy lá van vào tâm nhĩ.
Mặt khác khi giảm hồi lưu tĩnh mạch, nghĩa là lượng máu ở tâm thất giảm đi một ít và khoảng trống để lá van di chuyển bị thu hẹp, vì vậy trong thời gian co bóp lá van sẽ bị đẩy vào tâm nhĩ sớm hơn.
Âm thổi có tính chất tương tự cũng gặp trong bệnh cơ tim phì đại.
Ngoài sa van hai lá, những nguyên nhân khác của hở van hai lá còn có tổn thương các cơ nhú do nhồi máu cơ tim Nếu những cơ này chết đi, chúng không thể giữ chặt thừng gân được nữa và cho phép van hai lá bật vào nhĩ, lúc này máu từ thất trái sẽ chảy ngược lên nhĩ trái.
Suy tim trái dẫn đến giãn tâm thất cũng có thể gây hở van hai lá, bởi vì khi tâm thất trái giãn, nó kéo giãn vòng van hai lá và cho phép máu chảy vào tâm nhĩ trái.
Hở van hai lá cũng có thể gây nên bởi sốt thấp khớp, một bệnh lý viêm ảnh hưởng đến mô tim và dẫn đến bệnh thấp tim mạn tính.
Viêm mạn tính dẫn đến xơ hóa lá van, làm chúng không còn đóng kín van được nữa mà thay vào đó máu bị chảy ngược trở lại qua lỗ van.
Bệnh nhân hở van hai lá thường có âm thổi toàn tâm thu, nghĩa là âm thổi kéo dài trong suốt thời kì tâm thu.
Mặc dù chúng ta vẫn nói rằng suy tim trái có thể gây hở van hai lá, nhưng nó cũng có thể theo hướng ngược lại, hở van hai lá có thể là nguyên nhân của suy tim trái.
Trong hở van hai lá, mỗi khi tâm thất trái co bóp, một ít máu vô tình được bơm ngược lên tâm nhĩ trái và làm tăng tiền tải vì sau khi co bóp một lần nữa máu chảy trở lại tâm thất trái.
Điều này tương tự như khi bạn đào một cái hố và mỗi khi bạn xúc đất ra, một nửa đất sẽ rơi trở lại hố, rất tốn sức, đúng không nào? Ở trường hợp này, cả tâm nhĩ và tâm thất trái đều quá tải.
Để thích ứng tốt hơn với sự tăng thể tích này, tim trái bị phì đại lệch tâm, khi đó những sợi sarcomere mới được thêm vào liên tiếp bên cạnh những sợi sẵn có, và làm tim lớn hơn.
Sự bù trừ này tỏ ra hiệu quả trong một khoảng thời gian, nhưng cuối cùng tâm thất không thể duy trì bù trừ được nữa và dẫn đến suy tim trái.
Được rồi, bây giờ hãy bàn luận về hẹp van hai lá- nguyên nhân phổ biến nhất gây hẹp là sốt thấp khớp.
Trong trường hợp này, thay vì hiện tượng viêm làm cho các lá van không đóng kín thì các lá van có thể áp chặt vào nhau gọi là dính các mép van.
Khi điều này xảy ra, lỗ van hai lá mở ra khoảng từ 4 đến 6cm2 trong trường hợp bình thường thì bây giờ có thể hẹp xuống còn 2cm2 làm cho việc tống máu từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái khó khăn hơn nhiều và thể tích máu ở tâm nhĩ trái tăng, dẫn đến tăng áp lực tâm nhĩ trái.
Dòng chảy có áp lực cao hơn đi qua một van bị xơ hóa gây nên một tiếng clack mở van, theo sau bởi một tiếng rung tâm trương khi máu bị đẩy qua một lỗ nhỏ.
Thể tích máu và áp lực ở tâm nhĩ trái liên tục tăng làm nó giãn ra và cho phép máu ứ ngược vào tuần hoàn phổi, gây sung huyết phổi và phù phổi, có thể dẫn đến các triệu chứng như khó thở.
Toàn bộ thể tích máu thừa ở tuần hoàn phổi là nguyên nhân gây tăng áp phổi, cuối cùng có thể làm cản trở tâm thất phải bơm máu vào tuần hoàn phổi, dần dần tâm thất phải có thể bị phì đại và cuối cùng dẫn đến suy tim phải.
Ngoài ra, khi tâm nhĩ trái giãn sẽ làm cơ thành nhĩ bị kéo căng và các tế bào tạo nhịp dọc thành tim trở nên dễ bị kích thích hơn, làm tăng nguy cơ rung nhĩ.
Trong rung nhĩ, tâm nhĩ trái và phải co bóp hỗn loạn, khiến cho máu bị ứ trệ.
Bởi vì tâm nhĩ trái đã bị giãn ra khá nhiều nên dòng máu bị ứ lại có thể là một nguy cơ cao dẫn đến hình thành huyết khối.
Nếu hình thành, huyết khối có thể ngay lập tức đi vào tuần hoàn hệ thống.
Cuối cùng, hãy xem xét mối quan hệ giữa tim và các thành phần khác của lồng ngực.
Nếu tâm nhĩ trái giãn và trở nên thực sự lớn, nó có thể chèn ép cơ quan lân cận, như thực quản chẳng hạn, và bệnh nhân có thể có triệu chứng khó nuốt các loại thức ăn đặc.
Đối với bệnh nhân hở hoặc hẹp van hai lá nặng, điều trị bao gồm sửa chữa hoặc phẫu thuật thay van.
Video thực hiện bới WOWMed.
.