Khám phá Bảo tàng phụ nữ Việt Nam ở Hà Nội.
Từ năm 2012 đến nay, theo đánh giá của TripAdvisor, website du lịch lớn nhất thế giới, bảo tàng Phụ nữ Việt Nam luôn nằm trong top những điểm du lịch hấp dẫn nhất Hà Nội.
Đặc biệt, TripAdvisor đã chọn Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vào top 25 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á.
Ngoài những vật trưng bày thường niên, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam còn thường xuyên tổ chức các chuyên đề riêng về hình ảnh người phụ nữ từ quá khứ đến hiện đại vào các dịp trong năm.
Ở đó, nhiều hình ảnh về người phụ nữ được trưng bày.
Qua đó du khách sẽ thấy được hình ảnh người phụ nữ Việt Nam từ dịu dàng, truyền thống đến mạnh mẽ, kiên cường và cần cù lao động.
Đó cũng là nét độc đáo mà bảo tàng này mang đến cho du khách.
Thành lập năm 1987 và trực thuộc của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với chức năng nghiên cứu, lưu giữ và bảo quản những di sản vật thể và phi vật thể, những nét lịch sử văn hóa lâu đời của người Việt.
Đồng thời, nơi đây cũng là trung tâm giao lưu văn hóa của phụ nữ Việt và phụ nữ quốc tế với mục tiêu thúc đẩy sự bình đẳng, hòa bình và phát triển.
Cho đến nay, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã trưng bày đến hơn 25.
000 tài liệu hiện vật liên quan đến người phụ nữ Việt Nam.
Đây là một con số không nhỏ, góp phần làm nên thành công của bảo tàng.
Bao gồm 4 tầng với hàng nghìn các loại tư liệu và hiện vật, bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã mất gần 10 năm để tìm kiếm và thu thập trên khắp cả nước tất cả đều mang đặc trưng của người phụ nữ Việt Nam.
Ấn tượng đầu tiên khi đến với bảo tàng có lẽ là bức tượng với tên gọi “Mẹ Việt Nam” đặt trang nghiêm ngay ở sảnh vào.
Bức tượng tả một người phụ nữ đỡ cậu con trai trên vai và bàn tay đang đẩy những khó khăn, sóng gió để che chắn, bảo vệ cho cậu con trai của mình.
Khi nhìn lên phía trên, bạn sẽ thấy một mái nhà vòm được thiết kế rất độc đáo, nó có thể giúp tận dụng ánh sáng mặt trời một cách tối đa.
Lên tầng thứ hai, đó là nơi trưng bày những hiện vật gắn liền với cuộc sống của người phụ nữ Việt từ công cụ lao động đến đồ trang sức, trang phục, .
.
Nhiều đồ vật đã có từ rất lâu đời.
Và xen lẫn những hiện vật đó là cuộc sống bình yên của người phụ nữ được lưu lại trên những bức tranh.
Qua những hình ảnh đó, du khách sẽ cảm nhận được sự gan dạ, kiên cường của người phụ nữ Việt lớn lao đến mức nào.
Tầng 3 – trọng tâm của bảo tàng đó là những ghi chép, hiện vật của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong suốt 81 năm hoạt động.
Nơi đây cũng là nơi trưng bày những quà tặng của bạn bè quốc tế đến Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Đây cũng là tầng được du khách nước ngoài yêu thích nhất.
Tầng 4 chính là nơi nói về những chủ đề trang phục của người phụ nữ Việt.
Tất cả những trang phục qua từng giai đoạn phụ nữ Việt Nam đều được trưng bày nơi đây.
Qua đó, du khách sẽ thấy, trang phục truyền thống của người Việt và trang phục của người phụ nữ ở từng dân tộc rất đa dạng và đẹp mắt.
Khu vực trưng bày chuyên đề Tín ngưỡng thờ Mẫu.
Thờ Mẫu là tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội.
Được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2016, Đạo Mẫu tại miền Bắc Việt Nam bao gồm hệ thống các tín ngưỡng thờ những vị nữ thần thông qua các nghi lễ âm nhạc, hát, múa và phục trang.
Hiện nay, tín ngưỡng này vẫn đang được thực hành phổ biến và đa dạng ở khắp các vùng miền trong cả nước và cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Tín ngưỡng thờ Mẫu hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn… là một nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt, mang lại cho họ sức mạnh, niềm tin và có sức thu hút mọi tầng lớp trong xã hội.
Khu vực này giới thiệu những giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu thông qua tiếng nói, trải nghiệm của người dân theo đạo Mẫu ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc, góp phần nâng cao hiểu biết về một tín ngưỡng dân gian đặc sắc, có sức sống lâu bền của người Việt.
Đến Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, du khách trong và ngoài nước sẽ có nhiều trải nghiệm khó quên với hơn hàng nghìn tư liệu, hiện vật, hình ảnh kể lại một cách chi tiết những câu chuyện giàu ý nghĩa về người phụ nữ Việt Nam.
.
.
.