Rủi ro khi kinh doanh Homestay: 12 vấn đề và hướng xử lý Rủi ro khi kinh doanh homestay do ý thức khách Khách thiếu ý thức giữ gìn đồ đạc, thiết bị: Làm dịch vụ phải đối mặt với muôn vàn khách khác nhau.
Có khách văn minh, nhưng cũng có khách thiếu ý thức, làm mà không nhận.
Rất nhiều trường hợp chủ cho thuê phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” khi gặp kiểu khách như này.
Hướng xử lý: Với những khách này, điều cần làm là bạn phải nhắc kĩ về nội quy, thậm chí soạn thảo văn bản và mô tả cách xử lý, bảng giá đền bù rõ ràng.
Khi xảy ra sự việc mình có căn cứ giải quyết.
Khách hàng đánh giá thiếu chính xác sau khi thuê: Việc để lại đánh giá xấu, ít sao với lý do cảm tính làm ảnh hưởng uy tín.
Những khách hàng tiếp sẽ căn cứ vào review, thứ hạng để quyết định đặt phòng .
Điều này làm giảm uy tín, giá trị căn hộ của bạn trong lâu dài.
Hướng xử lý: Bạn cứ mạnh dạn phản hồi lại review trên các OTA (ví dụ TripAdvisor, Booking, Agoda…).
Hoặc bạn có thể giải trình, xóa review nếu nó được đăng lên kênh homestay riêng của bạn (fanpage, website…).
Khách thuê homestay để “bay lắc” tập thể, mại dâm: Còn gì đáng sợ hơn khi có người ngang nhiên phạm tội trong chính căn nhà mình.
Trong trường hợp bị phát giác, bạn sẽ gánh tội chứa chấp.
Còn nếu không riêng chuyện dọn dẹp tàn cuộc cũng đã khiến bạn đủ mệt mỏi rồi.
Hướng xử lý: nhiều chủ hộ cho rằng nên tránh nhóm khách book 1 đêm.
Cần khai báo tạm trú tạm vắng rõ ràng và ký thỏa thuận có mục đích lưu trú.
Có dấu hiệu nghi ngờ cần kiểm tra .
Nên theo dõi booking blacklist từ các host khác chia sẻ để biết nhóm khách này.
Khách vô trách nhiệm, khách hủy phòng: Khách ảo đặt xong hủy liên tục, khách hủy phòng trước giờ checkin, khách đặt trước chưa thanh toán nhưng không thấy đến… Bạn vừa tốn thời gian, công sức lại vừa tổn thất doanh thu.
Hướng xử lý: Cách tốt nhất là để chế độ thanh toán trước từ 50%, tính phí hủy phòng sau thời hạn định sẵn.
Không quên lựa chọn những OTA uy tín, đảm bảo quyền lợi chủ nhà.
Rủi ro khi kinh doanh homestay vì bị lừa đảo Lừa đảo quỵt tiền: Đây thường là nhóm đặt phòng ảo sau đó không đến, hủy cận ngày.
Hoặc có trường hợp còn đặt 2 ở 5 ngày, không chịu trả phòng gây tổn thất không ít.
Hướng xử lý: Việc chủ hộ nên làm là đặt chế độ nghiêm ngặt về thanh toán/đặt cọc.
Kiểm tra số lượng khách, khai báo chính xác công khai để tội phạm không nhằm vào bạn.
Tội phạm công nghệ: Thường chúng sẽ truy cập vào các thông tin online của bạn để đánh cắp dữ liệu.
Đặc biệt, gần đây, có loại tội phạm lừa tiền công nghệ.
Chúng có đặc điểm là đặt phòng nhanh, vội vã; sau đó, đòi thanh toán quốc tế.
Bạn sẽ cần xác minh tài khoản ngân hàng qua đường link lừa đảo chúng gửi để được chuyển tiền.
Khi nhập thông tin vào link này thì số tiền trong tài khoản đó sẽ không cánh mà bay cũng như vị khách kia.
Hướng xử lý: Bạn tuyệt đối KHÔNG khai báo số tài khoản và thông tin vào bất kì link nào.
Với những khách nghi ngờ, tốt nhất từ chối hoặc đăng hỏi lên các nhóm cho thuê trên facebook để mọi người tư vấn.
Tội phạm truy nã: Nhiều tội phạm đã chọn hình thức này để ẩn náu.
Chỉ vài click book phòng, chúng dễ dàng trở thành khách hàng của bạn.
Hãy luôn đề phòng và báo cảnh sát nếu có bất cứ nghi ngờ nào nhé! Rủi ro khi kinh doanh homestay do đối tác gây khó dễ Từ chủ căn nhà bạn thuê để kinh doanh homestay: Rất nhiều khi căn hộ bạn cho thuê không phải do bạn sở hữu, mà là bạn thuê dài hạn.
Chính vì vậy, không ít người gặp tình huống dở khóc dở cười: Bị chủ đòi lại nhà trước hợp đồng mà không đền bù hoặc đền bù rất ít! Hướng xử lý: Chú ý về điều khoản đền bù và thời gian thông báo trước khi đòi nhà trong hợp đồng.
Chú ý về tính pháp lý của hợp đồng thuê nhà.
Nếu sổ đỏ có cả tên vợ và chồng thì cần cả 2 người ký.
Tốt nhất nếu đầu tư nhiều thì nên công chứng, nhất là hợp đồng trên 6 tháng.
Từ chủ đầu tư/BQL tòa nhà (với căn hộ chung cư): Đôi khi chủ đầu tư hoặc BQL bạn thuê gây khó dễ, hoặc cắt điện, nước với các phòng bạn cho thuê với lý do vi phạm điều khoản chung cư.
Hướng xử lý: Bạn chỉ cần lobby nhẹ nhàng với bên đầu tư/BQL chút thôi nhé! Từ các bên trung gian (OTA, nền tảng thanh toán): Hoàn tiền chậm từ OTA, chênh lệch tiền ngoại tệ, …? Hướng xử lý: Đó là những vấn đề tuy nhỏ nhưng bạn cần xử lý từ đầu.
Nhớ đọc thật kỹ các điều khoản, tránh thiệt hại về sau! Rủi ro khi kinh doanh homestay khi chưa nắm rõ luật Thiếu các loại giấy phép, chứng nhận: Bạn sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật nếu không có đầy đủ giấy tờ hợp pháp.
Hướng xử lý: Hãy đảm bảo căn của bạn có đầy đủ GPKD và các loại giấy tờ liên quan.
Ngoài ra, bạn cũng cần chuẩn bị chứng nhận PCCC và ANTT nữa nhé.
Khai báo không đầy đủ: Đôi khi căn hộ của bạn sẽ bất chợt bị công an địa phương “ghé thăm” lập biên bản xử lý nếu vi phạm quy định pháp luật.
Hướng xử lý: Bạn cần khai báo trước 23 tiếng khách lưu trú.
Điều này phòng sự “ghé thăm” bất chợt của công an địa phương!.