Như các bạn đã biết trong video Sự tích Ngân hàng, các ngân hàng đóng vai trò giúp tiền lưu thông, chui ra khỏi túi và được sử dụng để tạo ra thêm hàng hóa, dịch vụ trên thị trường.
Nhưng các bạn có biết, có những loại ngân hàng có thể tạo ra tiền từ thinh không.
Hôm nay chúng ta sẽ cùng đến thăm một trong những ngân hàng đó.
Hiện tại bọn mình đang đứng ở số 33 phố Tự Do (33 Liberty Street).
Đây là Cục dự trữ liên bang New York (The Federal Reserve of New York), 1 trong 12 ngân hàng khu vực của Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ – Federal Reserve System, gọi tắt là Fed.
Không có gì là bất ngờ khi New York Fed là Cục dự trữ khu vực quyền lực nhất nước Mỹ, cả về khối lượng tài sản cũng như quyền hạn.
New York Fed giám sát nhiều tổ chức kinh tế quan trọng, có vai trò đặc biệt trong quan hệ quốc tế, và cũng là nơi dự trữ hơn 100 tỷ $ vàng của thế giới.
10s quảng cáo không công đó là mỗi năm trên thế giới hàng trăm nghìn du khách đã đến thăm các hầm vàng của New York Fed.
Tour du lịch này là hoàn toàn miễn phí, và nếu bạn có cơ hội đi thăm New York City thì hãy thử book tour này nhé! Thế tại sao chúng tớ lại nói là Fed có thể tạo ra tiền từ thinh không nhỉ? Hầu hết tiền trên thế giới bây giờ không phải là tờ tiền giấy hay đồng tiền xu hay vàng bạc gì cả, mà chỉ là những con số trong sổ cái của các ngân hàng.
Nhiều nhà kinh tế học tin rằng để đạt được ba mục tiêu chính của kinh tế vĩ mô: GDP tăng trưởng cao, tỉ lệ thất nghiệp thấp, lạm phát thấp và ổn định, thì chính phủ có thể dùng nhiều biện pháp, trong đó có biện pháp tiền tệ: tăng hay giảm nguồn tiền trên thị trường để điều khiển nền kinh tế.
Tiền cũng như mọi thứ khác, tuân theo quy luật cung-cầu.
Nếu có nhiều tiền trên thị trường thì giá trị của tiền sẽ giảm đi.
Và ngược lại, nếu có ít tiền thì giá trị của tiền sẽ cao lên.
Thế nhưng bình thường, bạn đo giá trị của hàng hóa bằng tiền.
Vậy đo giá trị của tiền bằng cách nào? Thứ nhất là qua lạm phát.
Lạm phát 10%/năm có nghĩa là năm sau, 100 đồng của bạn chỉ mua được lượng hàng hóa có giá trị bằng 90 đồng của năm nay.
Thứ nhì là qua lãi suất.
Khi tiền thừa mứa, người ta sẵn sàng cho vay với lãi suất thấp.
Khi tiền thiếu thốn, các ngân hàng sẽ chảnh chọe, trả lãi cao mới được vay tiền.
Khi kinh tế yếu kém, chính phủ thường sẽ muốn giảm lãi suất, tăng lượng tiền trên thị trường.
Tại sao? Lãi suất thấp, tiền “giá rẻ” sẽ thúc đẩy người ta vay tiền.
Khi bạn vay tiền ở ngân hàng, bạn sẽ có thể dùng số tiền đó để đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Kể cả khi bạn vay tiền để mua đồ ăn, quần áo, nhà cửa, xe cộ… Những người bán đồ ăn, quần áo, nhà cửa, xe cộ cho bạn lại có thể dùng số tiền họ thu được đấy để mua sắm cho chính họ, hoặc mở rộng kinh doanh.
Một lý do nữa là khi chính phủ tiếp tục tạo ra tiền, giá trị đồng tiền giảm, lạm phát sẽ tăng.
Bạn sẽ không muốn giữ tiền, mà phải tiêu hoặc đầu tư trước khi tiền giảm giá trị.
Tóm lại tiền được lưu thông và kinh tế hoạt động mạnh mẽ hơn, như người đang yếu được tiếp máu.
Ngược lại, khi lạm phát quá cao, nhà nước sẽ tìm cách giảm lượng tiền trên thị trường lại để tránh nền kinh tế trở nên quá “nóng”.
Thế thực sự nhà nước kiểm soát lượng tiền trên thị trường kiểu gì? Hàng năm, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ (Department of Treasury) “thay mặt” nước Mỹ vay rất nhiều tiền bằng cách phát hành trái phiếu chính phủ (T-bills).
Ai cũng có thể mua những trái phiếu này.
Mua trái phiếu được lợi là hàng năm được trả lãi, và sau một số năm nhất định thì được trả vốn.
Cục dự trữ thường mua rất nhiều những trái phiếu này.
Các ngân hàng nói chung cũng sẽ nắm nhiều trái phiếu, hoặc không thì họ cũng sẽ quản lý tiền của những người nắm trái phiếu.
Khi muốn “rút” tiền ra khỏi thị trường, ví dụ để giảm lạm phát, cục Dự trữ sẽ bán trái phiếu ra.
Như vậy, một lượng lớn tiền đang lưu thông sẽ trở thành không tiêu được vì đã nằm trong trái phiếu rồi.
Tác dụng của việc bán trái phiếu này cũng y như việc rút bớt tiền ra khỏi nền kinh tế.
Còn khi muốn bơm tiền? Cục Dự trữ chỉ cần làm ngược lại, và mua trái phiếu vào.
Cục Dự trữ có thể mua bán hàng tỉ đô la trái phiếu mỗi ngày để giữ lượng tiền ở mức họ nghĩ là tối ưu.
Điều đặc biệt nhất là nguồn gốc của số tiền để mua trái phiếu này: nó được tạo ra từ không gì cả.
Như bọn mình đã nói trong video Ngân hàng, đồng tiền bây giờ không còn được đảm bảo bằng vàng nữa, và chỉ một phần nhỏ tiền có hình dạng thực sự.
Còn lại tiền chỉ là những con số.
Chỉ với một vài cái gõ bàn phím, Cục Dự trữ có thể tạo ra thêm tiền mới ngay khi cần.
.